Bệnh Gout, hay gặp ở các nước phát triển, là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa.

Nguyên nhân và chẩn đoán bệnh gout

Nguyên nhân nguyên phát của bệnh chưa thật sự rõ ràng, nhưng chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, uống rượu bia nhiều… được xem là làm nặng thêm bệnh. Gặp 95% ở nam giới, thường gặp 30-60 tuổi. Một số ít xác định được nguyên nhân là do các rối loạn về gen (nguyên nhân di truyền) hoặc do rối loạn chức năng các cơ quan như thận, gan hoặc dùng thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị ung thư. Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin.

Chẩn đoán bệnh Gout không khó, khi bệnh nhân nam có triệu chứng của “Cơn Gout cấp” ở độ tuổi >30 tuổi: Xuất hiện đột ngột ban đêm, bệnh nhân thức dậy vì đau ở khớp, thường là khớp bàn – ngón chân cái, khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau. Lúc đầu chỉ viêm khớp một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp.

Các dấu hiệu viêm có thể kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày rồi các dấu hiệu viêm giảm dần: đỡ đau, đỡ nề, bớt đỏ. Hết cơn, khớp trở lại hoàn toàn bình thường. Cơn Gout cấp dễ tái phát, khoảng cách có thể gần nhưng cũng có thể rất xa, có khi >10 năm. Lắng đọng urat làm cho hình thành các tôphi dưới da và gây nên bệnh khớp mạn tính do urat. Hạt tôphi thường biểu hiện chậm, hàng chục năm sau cơn Gout đầu tiên nhưng cũng có khi sớm hơn. Khi đã xuất hiện thì dễ tăng số lượng và khối lượng và có thể loét. Tôphi thường thấy trên sụn vành tai rồi đến khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille.

Xét nghiệm máu thường thấy Acid uric máu tăng > 420 μmol/l, tuy nhiên khoảng 40% bệnh nhân có cơn Gout cấp nhưng acid uric máu bình thường. Định lượng acid uric niệu 24 giờ để xác định tăng bài tiết hay giảm thải tương đối. Xét nghiệm dịch khớp tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp. Dịch khớp viêm giàu tế bào (> 2000 tb/mm3), chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính. X quang khớp trong giai đoạn đầu bình thường, nếu muộn có thể thấy các khuyết xương hình hốc ở đầu xương, hẹp khe khớp, gai xương…

Chẩn đoán xác định dựa vào Tiêu chuẩn Bennet và Wood (1968) hoặc Theo tiêu chuẩn của ILAR và Omeract năm 2000.

Phương pháp điều trị bệnh gout

Điều trị bệnh Gout dựa trên nguyên tắc là điều trị viêm khớp trong cơn Gout cấp và dự phòng tái phát cơn Gout, dự phòng lắng đọng urat trong các tổ chức và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu với mục tiêu kiểm soát acid uric máu dưới 360 mmol/l (60 mg/l) với Gout chưa có hạt tô phi và dưới 320 mmol/l (50 mg/l) khi Gout có hạt tô phi. Cụ thể là:

Chế độ ăn uống – sinh hoạt

– Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua… Có thể ăn trứng, hoa quả.

– Không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên…

– Uống nhiều nước, khoảng 2-4lít/24 giờ, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm 14‰. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.

– Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn Gout cấp như stress, chấn thương…

Điều trị nội khoa

– Thuốc chống viêm: Colchicin, thuốc kháng viêm không steroid, corticoid:

– Thuốc giảm axit uric máu

+ Nhóm thuốc ức chế tổng hợp axit uric: Allopurinol.

+ Nhóm thuốc tăng thải axit uric: probenecid, Sunfinpyrazol.

Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật cắt bỏ hạt tôphi được chỉ định trong trường hợp gout kèm biến chứng loét, bội nhiễm hạt tôphi hoặc hạt tôphi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ. Khi phẫu thuật lưu ý cho dùng colchicin nhằm tránh khởi phát cơn Gout cấp. Cần kết hợp thuốc hạ acid uric máu.

Biến chứng của bệnh gout và cách phòng bệnh

Biến chứng

– Thông thường có 1 – 2 cơn mỗi năm, khoảng cách các cơn ngắn lại, 10 – 20 năm sau cơn đầu tiên, xuất hiện các tophi và bệnh khớp urat làm hạn chế vận động. Bệnh nhân chết do suy thận hay do tai biến mạch máu.

– Có một số thể nhẹ hơn, cơn Gout ít xảy ra, không có tophi. Cũng có một số thể nặng hơn, xảy ra ở người trẻ < 30 tuổi, cơn Gout dày liên tiếp, tophi và bệnh khớp do urat xuất hiện sớm.

Phòng bệnh

– Chế độ sinh hoạt hợp lí, giảm ăn cách chất giàu purin, chất béo…

– Điều trị tốt các bệnh lí gây bệnh Gout thứ phát như suy thận, do thuốc, các bệnh lí chuyển hóa…

-Khi được chẩn đoán bị bệnh gout, phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng của bệnh gây ra.

Lý do nên chọn Bệnh viện Đa Khoa Thăng Long

Trên 15 năm thành lập
Chuyên môn cao

Đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi
trực tiếp khám

Cơ sở vật chất tiện nghi,
thiết bị hiện đại

Chi phí khám hợp lý,
chỉ từ 100.000 đồng

Áp dụng bảo hiểm y tế,
và các bảo hiểm khác

Chăm sóc khách hàng
chu đáo

Lưu ý: Bệnh viện hỗ trợ book phòng cho khách hàng ở tỉnh xa LH: 0896 683 983